Hỏi đáp về: Kế toán giá thành, Định mức NVL, Thuế nhà thầu và Xuất nhập khẩu tại chỗ của bạn Đỗ Hiền:

1. Công ty hoạt động dưới công suất, việc tính giá thành đối với những chi phí như khấu hao, phân bổ phải tách khoản định phí hạch toán vào TK632, thông tư 200 có nêu trường hợp này, mà chung chung quá, nên chưa biết làm thế nào?
2. Bên em có trường hợp xuất khẩu hàng hóa như sau : Cty A Hongkong bán hàng cho Cty B Honkong thông qua việc mua hàng từ Cty C tại VN và chỉ định giao hàng cho cty D tại VN. Biết là Cty D có ký hợp đồng gia công hàng hóa cho cty B.
Trường hợp giao dịch như trên thì có phát sinh thuế nhà thầu không? 

Trước hết đứng trên quan điểm của Luật kế toán:

Câu 1: Theo Chuẩn mực VAS số 02, tại Đoạn 07; 08; 11: Hàng tồn kho, có quy định và hướng dẫn:

“Chi phí chế biến

07. Chi phí chế biến hàng tồn kho bao gồm những chi phí có liên quan trực tiếp đến sản phẩm sản xuất, như chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sản xuất chung cố định và chi phí sản xuất chung biến đổi phát sinh trong quá trình chuyển hóa nguyên liệu, vật liệu thành thành phẩm.

Chi phí sản xuất chung cố định là những chi phí sản xuất gián tiếp, thường không thay đổi theo số lượng sản phẩm sản xuất, như chi phí khấu hao, chi phí bảo dưỡng máy móc thiết bị, nhà xưởng,... và chi phí quản lý hành chính ở các phân xưởng sản xuất.

Chi phí sản xuất chung biến đổi là những chi phí sản xuất gián tiếp, thường thay đổi trực tiếp hoặc gần như trực tiếp theo số lượng sản phẩm sản xuất, như chi phí nguyên liệu, vật liệu gián tiếp, chi phí nhân công gián tiếp.

phát sinh trong quá trình chuyển hóa nguyên liệu, vật liệu thành thành phẩm…

08. Chi phí sản xuất chung cố định phân bổ vào chi phí chế biến cho mỗi đơn vị sản phẩm được dựa trên công suất bình thường của máy móc sản xuất. Công suất bình thường là số lượng sản phẩm đạt được ở mức trung bình trong các điều kiện sản xuất bình thường.

- Trường hợp mức sản phẩm thực tế sản xuất ra cao hơn công suất bình thường thì chi phí sản xuất chung cố định được phân bổ cho mỗi đơn vị sản phẩm theo chi phí thực tế phát sinh.

- Trường hợp mức sản phẩm thực tế sản xuất ra thấp hơn công suất bình thường thì chi phí sản xuất chung cố định chỉ được phân bổ vào chi phí chế biến cho mỗi đơn vị sản phẩm theo mức công suất bình thường. Khoản chi phí sản xuất chung không phân bổ được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ.

Chi phí sản xuất chung biến đổi được phân bổ hết vào chi phí chế biến cho mỗi đơn vị sản phẩm theo chi phí thực tế phát sinh.

Chi phí không tính vào giá gốc hàng tồn kho

11. Chi phí không được tính vào giá gốc hàng tồn kho, gồm:

(a) Chi phí nguyên liệu, vật liệu, chi phí nhân công và các chi phí sản xuất, kinh doanh khác phát sinh trên mức bình thường; “

Tại Điều 84 Thông tư 200/2014/TT-BTC, hướng dẫn như sau:

“Điều 84. Tài khoản 621 – Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp

1. Nguyên tắc kế toán:

...

e) Phần chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp vượt trên mức bình thường không được tính vào giá thành sản phẩm, dịch vụ mà phải kết chuyển ngay vào TK 632 “Giá vốn hàng bán”.

Điều 85. Tài khoản 622 – Chi phí nhân công trực tiếp

1. Nguyên tắc kế toán

đ) Phần chi phí nhân công trực tiếp vượt trên mức bình thường không được tính vào giá thành sản phẩm, dịch vụ mà phải kết chuyển ngay vào TK 632 “Giá vốn hàng bán”.

Điều 87. Tài khoản 627 – Chi phí sản xuất chung

1. Nguyên tắc kế toán

Ở đây chúng ta cần hiểu một số khái niệm sau :

Chi phí sản xuất chung cố định: Đây là những chi phí chung thuộc loại cố định, nó không phụ thuộc vào lượng sản phẩm sx ra nhiều hay ít trong kỳ (nếu nó không thuộc như vậy thì gọi là chi phí chung biến đổi, tức là, nó theo số lượng sản phẩm làm ra trong kỳ)

Công suất bình thường: đây nói nôm na là định mức sx của DN bạn xây dựng và triển khai áp dụng trong nội bộ của mình. Công suất này có thể được xây dựng bao gồm: định mức NVL; NHÂN CÔNG; SXC (tùy theo năng lực của DN mà khả năng có thể xây dựng đầy đủ 3 đối tượng này hoặc ít hơn)

Chi phí chế biến: chính là chi phí giá thành sản xuất (nó không phải là giá thành toàn bộ)

Trường hợp mức sản phẩm thực tế sản xuất ra thấp hơn công suất bình thường: đây chính là quá trình sản xuất của đơn vị mà DN đã vượt định mức sản xuất.

Như vậy, nếu bạn xây dựng định mức và trong định mức đó, phần chi phí sxc cố định, bạn đã có số tiên liệu (ước tính bằng bao nhiêu % theo tiêu thức nào đó mà được xác định ngay từ đầu), số liệu định mức chung cố định này, thì bạn có thể phân bổ ngay vào trong giá thành.

Cuối kỳ, bạn sẽ tập hợp được loại chi phí này theo số thực tế, tiếp đến bạn phải thực hiện công tác quyết toán định mức sản xuất (hiện tại phần mềm kế toán Keyfa là phần mềm kế toán có phân hệ quyết toán định mức, mọi người có thể tham khảo), khi đó, phần chênh lệch vượt định mức (chỉ có đề cập đến phần vượt thôi, còn nếu không vượt thì được tính hết chi phí thực tế phát sinh vào chi phí giá thành), xử lý như sau:

Căn cứ và Đoạn 11, VAS 02;

Căn cứ vào Điều 84, TT200/2014/TT-BTC;

*Đối với chi phí 621: thì ghi nhận vào TK 632, vì vậy, nếu bạn thiết lập bảng tính giá thành, thì nên có cột số liệu này, đây là phần không kết chuyển vào TK 154 trong kỳ (Đoạn 11, VAS 02; vì TK 154 cũng là một loại HTK)

Tương tự chi phí 622; 627 cũng vậy.

Kế đến, đứng trên quan điểm của Luật thuế:

Căn cứ vào Thông tư 96/2015/TT-BTC, hướng dẫn về Thuế TNDN,

Điều 4, hướng dẫn như sau

“2.3. Phần chi vượt định mức tiêu hao nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hoá đối với một số nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa đã được Nhà nước ban hành định mức.”

Như vậy, đối với quy định của luật thuế hiện hành, thì chỉ có phần vượt định mức:”định mức tiêu hao nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hoá đối với một số nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa đã được Nhà nước ban hành định mứcthì mới không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN, còn lại, thì đều được chấp nhận (chi phí được trừ có thể là giá vốn hàng bán, hoặc có thể là chi phí sản xuất hàng tồn kho…), lưu ý, trước đây thì không có quy định như thế này, mà thay vào đó, phần vượt định mức sẽ bị xuất toán khỏi chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.

 Câu 2: Theo như bạn hỏi thì: “Cty A Hongkong bán hàng cho Cty B Honkong thông qua việc mua hàng từ Cty C tại VN và chỉ định giao hàng cho cty D tại VN. Biết là Cty D có ký hợp đồng gia công hàng hóa cho cty B. ..” rõ là CTY A đang có thu nhập từ việc giao dịch bán hàng cho CTY B;

Căn cứ vào Thông tư 103/2014/TT-BTC, Điều 1(2)(ví dụ 1)

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa tại Việt Nam theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ và có phát sinh thu nhập tại Việt Nam trên cơ sở Hợp đồng ký giữa tổ chức, cá nhân nước ngoài với các doanh nghiệp tại Việt Nam (trừ trường hợp gia công và xuất trả hàng hóa cho tổ chức, cá nhân nước ngoài) hoặc thực hiện phân phối hàng hóa tại Việt Nam hoặc cung cấp hàng hóa theo điều kiện giao hàng của các điều khoản thương mại quốc tế - Incoterms mà người bán chịu rủi ro liên quan đến hàng hóa vào đến lãnh thổ Việt Nam.

Ví dụ 1:

- Trường hợp 1: doanh nghiệp X ở nước ngoài ký hợp đồng mua vải của doanh nghiệp Việt Nam A, đồng thời chỉ định doanh nghiệp A giao hàng cho doanh nghiệp Việt Nam B (theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ theo quy định của pháp luật). Doanh nghiệp X có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng ký giữa doanh nghiệp X với doanh nghiệp B (doanh nghiệp X bán vải cho doanh nghiệp B).

Theo quy định tại Điều 86 (1)(c), của Thông tư 38/2015/TT-BTC,

“c) Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam.”

CTY A mua hàng của CTY C tại Việt nam và chỉ định CTY C giao cho CTY D, đây là hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ (cần xem xét kỹ mã loại hình tờ khai được mở bởi giao dịch này), vì vậy, dù bên D có gia công tiếp hay không gia công thì bên D là bên phải doanh nghiệp có trách nhiệm khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho doanh nghiệp X theo quy định tại Thông tư này.

Ngoài ra, bạn cũng phải cân nhắc luồng tiền thanh toán từ bên D cho bất cứ bên nào ở nước ngoài (A hoặc B; luồng tiền bên A thanh toán như thế nào với bên C). Qua đó, xác định thu nhập thật sự của giao dịch này là đối tượng nào

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi cho câu hỏi của bạn Đỗ Hiền.

Thân mến chào.

P/S: Bạn có thể hỏi đáp thêm cho chúng tôi ở phần bình luận phía dưới bài viết hoặc liên hệ trực tiếp qua Số điện thoại trên website với chúng tôi.

BẢN TIN-KIẾN THỨC khác