Hiện nay, việc các nhà đầu tư là Cá nhân/Tổ chức ở nước ngoài quan tâm tới thị trường tại Việt Nam ngày càng nhiều. Việc này đóng vai trò rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội, như: làm tăng năng suất lao động, thu nhập của người dân và thúc đẩy cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh tế. Hơn thế nữa việc có nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam góp phần làm các nhà đầu tư trong nước có thêm phần cạnh tranh, khuyến khích năng lực kinh doanh trong nước, tạo sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế cho quốc gia Việt Nam

Bởi lý do đó, hôm nay Công ty Kế toán Thuế An Đức sẽ cùng các bạn tìm hiểu các vấn đề liên quan đến Thủ tục, chính sách và quyền lợi sẽ là vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay.

I. Nhà đầu tư nước ngoài là ai ?

Căn cứ khoản 19 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 quy định như sau: Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. 

II. Quy định pháp luật liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài ?

Quy định của pháp luật liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài như sau: 

1. Đối tượng nào được phép trở thành nhà đầu tư nước ngoài theo quy định pháp luật Việt Nam ?

Căn cứ khoản 19 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 thì đối tượng được phép trở thành nhà đầu tư nước ngoài là: 

Phải là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài
Phải thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

2. Các hình thức đầu tư vào Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài ?

Theo Điều 21 Luật Đầu tư 2020 có 5 hình thức đầu tư như sau: 

- Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế 

- Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp

- Thực hiện dự án đầu tư

- Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC

- Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.

3. Điều kiện chung về ngành nghề đối với nhà đầu tư nước ngoài ?

Theo Điều 9 Luật Đầu tư 2020 quy định nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước. Trừ những trường hợp ngành nghề đầu tư kinh doanh đó thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. 

Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài là điều kiện nhà đầu tư nước ngoài bắt buộc phải đáp ứng. Khi thực hiện hoạt động đầu tư trong những ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư sẽ bị xem xét đến các vấn đề sau đây: 

- Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế
- Hình thức đầu tư
- Phạm vi hoạt động đầu tư
- Đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư và điều kiện khác theo quy định tại các điều ước quốc tế về đầu tư, luật, pháp lệnh và nghị định có liên quan

4. Thủ tục thành lập tổ chức kinh tế của nhà đầu tư nước ngoài

Căn cứ khoản 1 và khoản 2 Điều 63 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, thủ tục thành lập tổ chức kinh tế của Nhà đầu tư nước ngoài như sau:

- Trường hợp thực hiện dự án đầu tư mới, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư mới và thực hiện thủ tục thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế;

- Trường hợp nhận chuyển nhượng dự án đầu tư và thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (trong trường hợp dự án đó không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) hoặc điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (trong trường hợp dự án đó đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) và thực hiện thủ tục thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế.

Hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập tổ chức kinh tế thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc pháp luật khác tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế.

III. Các thắc mắc thường gặp liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài ?

1. Người Việt Nam định cư tại nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam có được xem là nhà đầu tư nước ngoài không ?

Theo khoản 19 Điều 3 Luật Đầu tư nước ngoài 2020 quy định: “Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam”.  Nên người Việt Nam định cư tại nước ngoài có quốc tịch nước khác đầu tư vào thị trường Việt Nam được xem là nhà đầu tư nước ngoài.

Mặt khác, theo khoản 20 Điều 3 Luật Đầu tư nước ngoài 2020 quy định: Nhà đầu tư trong nước là cá nhân có quốc tịch Việt Nam, tổ chức kinh tế không có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông. 

Như vậy, người Việt Nam định cư tại nước ngoài có quốc tịch Việt Nam thì được coi là nhà đầu tư trong nước, còn người Việt Nam định cư tại nước ngoài mang quốc tịch nước khác thì được coi là nhà đầu tư nước ngoài. 

2. Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư góp vốn có cần xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hay không ?

Căn cứ Điều 23, Điều 37 Luật Đầu tư 2020 nhà đầu tư nước ngoài đầu tư nước ngoài cần xin thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi thuộc một trong hai trường hợp sau:

- Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài;

- Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế quy định tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC nếu tổ chức kinh tế đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;

b) Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;

c) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Như vậy, khi đầu tư thông qua hình thức thực hiện dự án đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài cần phải xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

 

Hãy để chúng tôi làm thay các Bạn: Xin giấy phép đăng ký doanh nghiệp, xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thay bạn nhé !

Trân trọng cảm ơn !